Phố Hàng Tre

Hoàn Kiếm - Hà Nội

HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNGTIN ĐIỂM ĐẾN

1/5/20245 min read

PHỐ HÀNG TRE

Phố Hàng Tre

Phố Hàng Tre cuối thế kỷ 19 có tên là phố Hàng Cau vì nơi đây tập trung buôn bán cau tươi, cau khô chở bằng thuyền từ các nơi về, sau có những công trình xây dựng lớn bên Bờ Sông, những người buôn bán cau chuyển hoạt động về Hàng Bè.

Hà Nội 36 phố phường in sâu vào tiềm thức người dân thủ đô ( ảnh sưu tầm )

Phố Hàng Tre dài 300mét, từ ngã tư Hàng Mắm kéo xuống ngã tư Lò Sũ. Đây vốn là đất của một trong mười thôn có tên gốc là Trừng Thanh, thuộc tổng Tả Túc, sau đổi là tổng Phúc Lâm huyện Thọ Xương cũ.

Trước phố này ở sát bờ sông Hồng, tiện việc bốc dỡ tre nứa lên bờ, đồng thời có nhiều "sạp" bán tre nứa nên có tên phố Hàng Tre. Phố Hàng Tre, thế kỷ XIX còn gọi là phố Hàng Cau, vì cuối phố có nhiều cửa hàng bán cau khô. Sau Cách mạng tháng 8, được đặt lại là Hàng Tre.

Phố Hàng Tre nguyên đất bờ sông khi chưa có con đê ngoài, đó là chỗ chứa gỗ cây và nơi dựng xưởng xẻ gỗ, nơi nhốt bò và ngựa kéo xe gỗ. Đến đầu thế kỷ 20, thành phố mở mang và xây dựng thêm thì tre gỗ cũng không còn bán ở đây nữa. Hàng Tre không phải là một phố buôn bán, không có cửa hàng, nhà xây chủ yếu để ở nên không có nhà dãy nhiều gian cốt để cho thuê. Phố Hàng Tre có hai đoạn: - Đoạn từ phố Hàng Muối đến ngã tư Hàng Thùng, đoạn này cả hai bên mặt phố đều có nhà; - Đoạn từ phố Hàng Thùng đến ngã tư Lò Sũ bên số chẵn có nhà còn bên số lẻ là tường dài của khu vực Nha Công chính Đông Dương, sát tường chỉ thấy nhô lên mái thấp của nhà phụ thuộc, ngôi nhà chính cao to thì quay mặt ra phố Bờ Sông. Quãng giữa có một cổng sắt đi vào một ngôi nhà một tầng có nền hầm, vẫn gọi là Toà án Hàng Tre. Ngôi nhà đó hồi đầu thế kỷ 20 là trụ sở Toà án thành phố, khi xây toà án mới thì nơi đây làm trường Cao đẳng Công chính. Vì Hàng Tre là một phố nhỏ, vắng người đi lại nên năm 1954 xưởng cơ khí Đồng Tháp đã rào mặt đường lại làm chỗ sản xuất; phố bị nghẽn cho mãi đến năm 1981 mới được khai thông cùng với Hàng Vôi và Hàng Muối thành đường một chiều song song với phố Nguyễn Hữu Huân

Những năm 70 - 80 thế kỷ trước, phố Hàng Tre chỉ có nghề hàn vá yếm xe vỡ, nắn khung, "tút" lại những chỗ tróc sứt, rỉ, rỗ của xe ôtô, xe máy.Những người không có cửa hàng "thao tác" ngay trên hè phố. Ngày nay, trong cơ chế thị trường,nhiều cửa hàng đua nhau mọc lên như: Nội thất ôtô Vinh Vinh, Bùi Phùng - rửa xe - thay dầu - bảo dưỡng - dán ni lông ôtô xe máy - nắn khung - càng - yếm xe. Ông bà Bùi Phùng đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục thợ, đào tạo nhiều tay nghề cao, có người đã tự mở cửa hàng riêng để làm giàu chính đáng.

Phố Hàng Tre hiện nay mở mang mạnh nhất là các cửa hàng ăn uống. Riêng cửa hàng bà Lan Chín là nổi nhất,hiện có tới hai cửa hàng "Bia hơi Lan Chín" khang trang, khách hàng lúc nào cũng đông. Tiếp đến là nhà hàng Thuý Hồng "đặc sản" chả cá phục vụ theo "tua" du lịch cho khách nước ngoài: Chả cá chấm mắm tôm, nước mắm cà cuống, bánh đa, lạc, bún, các loại gia vị với rượu vang. Nhà hàng Việt Nam phong vị thực quán Highway4 restaurant lại có cách trang trí nội thất ấm cúng, chiều lòng thực khách. Rồi phở "Thìn", “Nhung phở bò”… tạo thành một cụm "ẩm thực" của phố Hàng Tre: Bình dân, ngon, rẻ, dân dã mà vẫn lịch sự.

Phố Hàng Tre trước nhu cầu phát triển ngành du lịch những năm gần đây cũng phát triển đột biến, thay đổi hẳn bộ mặt của phố. Đầu phố là khách sạn Royan 7 tầng bề thế. Tiếp đó là Hotel Blue tấp nập khách vào ra. Một loạt cửa hàng "vệ tinh" ra đời như: Thời trang tóc Liên, Hằng cắt uốn tóc, cà phê bóng đá, lẩu Hồng Kông, nhà may Thục Anh… Nhiều Công ty cũng xuất hiện chiếm lĩnh thị trường, thu hút nhiều lao động đến làm việc: Công ty thương mại du lịch Thành Long, Công ty dịch vụ xử lý dữ liệu Việt Nam. Công ty chứng khoán Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam cũng có trụ sở tại đây. Phố Hàng Tre còn có nhà in báo Nhân dân, và in nhiều báo khác đặt hàng.